VGI

Hội thảo khoa học kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2015)

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh ngày 2 tháng 9, sáng ngày 28/8, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2015)”.

Chủ trì Hội thảo có GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện; PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng; TS Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học.

 

 

Khẳng định giá trị, tầm vóc lịch sử của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí cho rằng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là kết quả tất yếu từ mạch ngầm sục sôi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam qua hàng ngàn năm, là sự kết tinh và tỏa sáng của sức mạnh nội lực Việt Nam. Thắng lợi đó không chỉ góp phần đưa độc lập dân tộc trở thành giá trị phổ biến mang tính thời đại mà còn mở ra một định hướng chính trị hoàn toàn mới đối với các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc là giành độc lập dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng tháng Tám phá tan một mắt xích quan trọng và thúc đẩy sự tan rã không thể cứu vãn của hệ thống thuộc địa, góp phần mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ tồn tại gần nửa thiên niên kỷ trong lịch sử thế giới. Mặc dù không phải là nước thuộc địa duy nhất đứng lên đấu tranh giành độc lập nhưng Việt Nam là nước đầu tiên đứng lên giành độc lập dân tộc bằng chính sức mình, gắn độc lập dân tộc với sự lựa chọn định hướng xã hội chủ nghĩa, bất chấp mọi sự chống phá quyết liệt không chỉ của thực dân Pháp mà của cả hệ thống đế quốc chủ nghĩa trên thế giới.

Có thể thấy, thành quả lớn nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là đã xây dựng được Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam - Nhà nước Dân chủ Cộng hòa ra đời, gắn bó mật thiết với nhân dân và là Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu đã phân tích và làm rõ vấn đề nắm bắt thời cơ, chuẩn bị lực lượng để làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám. Thời cơ trong Cách mạng tháng Tám là tổng hòa các mối quan hệ giữa yếu tố khách quan và chủ quan của tình hình trong nước và quốc tế. Diễn ra trong thời khắc lịch sử đặc biệt nhưng bài học về tạo thời cơ, nắm thời cơ trong Cách mạng tháng Tám đã được Đảng ta vận dụng và phát triển lên đến đỉnh cao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Giá trị lý luận và thực tiễn đó đã được Đảng vận dụng vào quá trình lãnh đạo cách mạng, trong sự nghiệp đổi mới.

Hội thảo khẳng định, nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, sáng tạo của Đảng, là khối đại đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh. Các đại biểu đều cho rằng, ngày nay, khối đại đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là động lực, là cơ sở vững chắc cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng với việc đi sâu phân tích các giá trị và tầm vóc lịch sử của Cách mạng tháng Tám và sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều tham luận tập trung vào việc tổng kết và khẳng định những thành quả của đất nước đã đạt được trong quá trình tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa trong 70 năm qua.

Lịch sử tuy đã lùi xa, nhưng những giá trị của Cách mạng tháng Tám và thành quả 70 năm xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tiếp tục là hành trang để dân tộc Việt Nam bước tiếp trên con đường xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đỗ Dung

Tìm kiếm